Liên kết hữu ích
Thống kê truy cập
Đang online: 2
Lượt truy cập: 331744

Nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch: Ô nhiễm chạy vòng?

Việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho hồ Tây, pha loãng nước sông Tô Lịch đang gây ra nhiều tranh cãi từ các chuyên gia.

Khó thành hiện thực?

Ngày 14/11/2019, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường bày tỏ sự đồng tình về việc TP. Hà Nội đang có ý định lấy nước sông Hồng bổ cập cho hồ Tây, pha loãng nước sông Tô Lịch để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại dòng sông này.

Theo ông Nhuệ, ý tưởng trên đã có từ lâu nhưng thời gian qua có nhiều ý kiến tranh cãi nên mãi TP. Hà Nội chưa thực hiện được, trong khi đó nước sông Tô Lịch thì ngày càng ô nhiễm hơn.

“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch thì đó là cách làm nhanh nhất trong thời điểm này. Không nên bàn cãi nhiều mà cần phải thực hiện ngay. Nếu cứ bàn cãi thì mãi sẽ không làm được và sông Tô Lịch thì ngày càng ô nhiễm nặng hơn” – GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nói.

Trước ý kiến cho rằng, việc lấy nước sông Hồng pha loãng sông Tô Lịch sẽ gây hệ quả làm ô nhiễm nguồn nước của các dòng sông phụ cận, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ khẳng định không thể xảy ra hiện tượng này.

“Hiện nay các dòng sông phụ cận của sông Tô Lịch như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang bị ô nhiễm. Khi lấy nước sông Hồng pha loãng sông Tô Lịch thì nước đổ ra cũng sẽ làm pha loãng các sông phụ cận chứ không thể làm ô nhiễm thêm được” – vị chuyên gia khẳng định.

Trong khi đó, GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng, việc lấy nước sông Hồng pha loãng sông Tô Lịch làm ô nhiễm các dòng sông phụ cận là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

GS.TS Ngô Đình Tuấn cho biết, việc lấy nước của một dòng sông pha loãng sự ô nhiễm của dòng sông khác là điều ai cũng có thể nghĩ tới đầu tiên, nhưng sở dĩ không làm là vì có quá nhiều điều lo ngại cho sự ô nhiễm của các vùng phụ cận.

“Việc lấy nước sông Hồng pha loãng nước sông Tô Lịch thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là bài toán rất khó. Bởi phải tính toán xem lấy nguồn nước từ đâu, đưa vào từ vị trí nào và lượng đưa vào là bao nhiêu. Các tính toán phải phù hợp, vừa đủ để không khiến cho dòng chảy bị thay đổi, gây áp lực lên các khu vực khác” – ông Tuấn cho biết.

Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng, dự án của TP. Hà Nội đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia có nhiều điểm không hợp lý.

Thứ nhất, bản thân nước hồ Tây cũng đang bị ô nhiễm. Khi lấy nước sông Hồng bổ cập cũng chưa thể giải quyết được sự ô nhiễm của nước hồ Tây. Từ đó, một khu vực nước ô nhiễm đổ ra khu vực có sự ô nhiễm lớn hơn chỉ là giải pháp tình thế ban đầu, không đạt được hiệu quả lâu dài.

Thứ hai, khi pha loãng nước sông Tô Lịch sẽ làm lưu lượng nước ở sông Tô Lịch lên cao, đẩy nước về các sông xung quanh như sông Nhuệ, sông Đáy và có khi là chảy ngược ra chính sông Hồng. Khi đó, nước ở các sông này cũng bị ô nhiễm theo.

“Các vùng như Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình… lại chịu ảnh hưởng nặng nền từ việc pha loãng nước sông Tô Lịch. Các tỉnh thành này chắc chắn sẽ không chấp nhận chuyện này” – ông Tuấn nói.

Về quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Hảo – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nam bày tỏ sự lo ngại trước việc TP. Hà Nội lấy nước sông Hồng pha loãng sông Tô Lịch sẽ tạo ra áp lực xử lý ô nhiễm trên sông Đáy của địa phương.

“Hiện tại, nước từ sông Nhuệ đổ về đã khiến chúng tôi bị quá tải, gây ra nguy cơ ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn. Thời gian qua, nguồn nước từ sông Nhuệ đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của Hà Nam. Nếu như tăng thêm áp lực thì e rằng các sông ở Nam Định, Ninh Bình cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đang đề xuất xây thêm đập, nhà máy xử lý nước thải ở ngay đầu nguồn sông Nhuệ chảy vào sông Đáy ở địa phận Hà Nam để cải thiện chất lượng nước ở trên địa bàn. Còn tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn thì chắc chắn không chỉ có mình Hà Nam bị ảnh hưởng” – ông Hảo cho biết.

Theo ông Hảo, trước khi thực hiện dự án, TP. Hà Nội nên lấy ý kiến của các tỉnh phụ cận. Ông Hảo rất bất ngờ khi trong buổi lấy ý kiến của TP. Hà Nội hôm 13/11, phía Hà Nam không được mời để đưa ra quan điểm của mình.

Giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch thế nào?

Theo các vị chuyên gia, gần 40 năm trước, phương án lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch cũng đã được đưa ra để bàn luận nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội còn đưa ra rất nhiều giải pháp khác, thậm chí thử nghiệm của công nghệ xử lý của Nhật Bản nhưng rồi cũng đều thất bại.

“Nguyên nhân của việc có quá nhiều dự án giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng không thể thực hiện được là do đơn vị nào cũng muốn có công trong việc làm sạch dòng sông được coi là long mạch của Thủ đô. Bên cạnh đó, cách nào cũng gặp phải những mặt hạn chế, chưa đi vào căn cơ, giải quyết tận gốc sự ô nhiễm của sông Tô Lịch” – ông Tuấn cho biết.

Để giải quyết sự ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn được nguồn ô nhiễm. Tại sông Tô Lịch, hàng ngày lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông là nguyên nhân chính là cho sự ô nhiễm. Chính vì thế, cần phải ngăn chăn nguồn thải ô nhiễm này.

“Việc ngăn chặn nguồn thải nước sinh hoạt ra sông Tô Lịch có lẽ quá khó đối với TP. Hà Nội vì nếu như không ra sông Tô Lịch thì sẽ đi đâu? Vì thế, cần phải có những điểm thu gom nước thải để có nhà máy xử lý trước khi thải ra sông.

Mỗi dòng sông có khả năng tự làm sạch, nhưng khi vượt quá ngưỡng tự làm sạch thì dòng sông đó sẽ bị ô nhiễm. Muốn để con sông đó có khả năng tự làm sạch cao thì cần phải tạo độ sâu, khơi thông dòng chảy của con sông.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xử lý ô nhiễm ở hồ Tây. Khi bản thân hồ Tây, sông Tô Lịch không đứng trước áp lực tự ô nhiễm nữa thì bài toán chắc chắn sẽ được giải” – ông Tuấn bày tỏ.